Chế tài xử lý còn nhẹ
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông) là rất cần thiết, đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa được Quốc hội thông qua. Đây là bước tiến quan trọng đồng thời cũng là căn cứ pháp lý nhằm ngăn chặn vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu bia. Do đó, Bộ Công an đang tham mưu cho các cơ quan chức năng liên quan xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi này. Một số giải pháp mạnh đang được nghiên cứu đề xuất như tước bằng lái vĩnh viễn, nâng mức phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải doanh nghiệp nếu để lái xe điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn...
Hiện trường một vụ tai nạn thảm khốc do lái xe uống rượu bia gây ra
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định gây tai nạn chết người chỉ có thể xử lý về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS 2015) với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù chứ không thể truy tố theo tội Giết người – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia, từ năm 2001, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa hành vi lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu, chất kích thích là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông Đường bộ (Luật GTĐB). Ngưỡng nồng độ cồn vi phạm là 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở dành cho người điều khiển xe máy, và chỉ cần có nồng độ cồn trong máu (trên 0mg/100ml máu hoặc 1l khí thở) dành cho người điều khiển ôtô. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này là từ 2-18 triệu đồng, và bị tước giấy phép lái xe trong 6 tháng.
Bên cạnh đó, Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ đang sửa đổi đề xuất tăng mức phạt hành vi này từ mức tối đa 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng.
Tuy được xem là tình tiết định khung tăng nặng của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ song hành vi lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu, chất kích thích vẫn không bị coi là một tội phạm hình sự. Cách xử lý này còn nương nhẹ so với nhiều nước khác trong khu vực.
Tước bằng lái xe vĩnh viễn – việc phải làm ngay
Về quan điểm hình sự hoá hành vi lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu, chất kích thích, Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích, hành vi này chỉ bị phát hiện khi lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.
"Uống rượu, bia khi phải cầm lái, vẫn cầm lái sau khi uống rồi gây tai nạn chết người là tội ác. Một cá nhân đã biết khi say rượu lái xe sẽ rất nguy hiểm, nhưng vẫn cố tình cầm lái và khi nhấn ga tông chết người thì hành vi đó cần bị xử lý theo tội Giết người. Việc sử dụng rượu bia khi lái xe gây tai nạn giao thông cần cấu thành một tội danh riêng với mức án đến tới chung thân hoặc tử hình thì mới đủ sức răn đe với người vi phạm" – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.
Trong trường hợp chưa thể hình sự hoá hành vi này một cách triệt để thì rất cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn. Đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn, buộc lái xe uống rượu bia đi lao động công ích có tính khả thi cao. Bởi việc cấp bằng, quản lý, thu hồi, xử lý những trường hợp vi phạm đều thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, nên nếu có quy định cụ thể thì sẽ thực hiện được.
Tuy vậy, muốn quy định trên sớm đi vào cuộc sống thì phải nhanh chóng sửa luật, bởi quy định hiện hành chỉ cho phép tước bằng từ 1-6 tháng, chứ không được tước vĩnh viễn, cũng không có quy định vĩnh viễn không cấp lại bằng.
"Chế tài xử lý còn nhẹ dẫn đến tình trạng người vi phạm coi thường pháp luật. Đã đến lúc cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Phòng chống tác hại rượu bia theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn như tước bằng lái xe vình viễn đối với người say xỉn. Bởi khi uống rượu bia ngay trước khi lái xe, lái xe hoàn toàn ý thức được rằng điều này có thể dẫn đến chết người, song họ vẫn chủ động đưa mình vào tình trạng mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi" – Luật sư Thu đề xuất.
Huệ Linh (ANTĐ)
Đăng nhận xét